Trang nhất
  Xã Luận
  Đọc Báo Trong Nước
  Truyện Ngắn
  Kinh Tế
  Âm vang sử Việt
  Tin Thể Thao
  Y Học
  Tâm lý - Xã hội
  Công Nghệ
  Ẩm Thực

    Diễn Đàn Biển Đông
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lên tiếng vụ tàu Philippines bị tàu Trung Quốc phun vòi rồng
    Hình Ảnh Quê Nhà - Video Clip
Nồng ấm Tết cổ truyền dân tộc Khmer Chôl Chnăm Thmây
    Tin Thế Giới
Giải mã các điểm đến trong chuyến công du châu Âu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
    Tin Việt Nam
EU đồng hành với sự phát triển bền vững của Việt Nam
    Tin Cộng Đồng
Nắng nóng kỷ lục tại nhiều bang của Ấn Độ
    Tin Hoa Kỳ
Mật vụ Mỹ lên kế hoạch bảo vệ trong trường hợp ông Trump bị giam giữ
    Văn Nghệ
Huế
    Điện Ảnh
Tổng thống Joe Biden trao huân chương cho Dương Tử Quỳnh tại Nhà Trắng
    Âm Nhạc
Danh tính nữ ca sĩ Việt may mắn gặp Rosé (Blackpink), lại còn chiêu đãi fan ảnh cam thường
    Văn Học
Bắt học sinh đi học ngày nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương, hiệu trưởng bị xem xét kỷ luật

Thông Tin Tòa Soạn

Tổng biên tập:
Tiến Sĩ
Nguyễn Hữu Hoạt
Phụ Tá Tổng Biên Tập
Tiến Sĩ
Nhật Khánh Thy Nguyễn
Tổng Thư ký:
Quách Y Lành




   Văn Học
Tác phẩm về một bí ẩn tuyệt diệu của Tây Nguyên
Trong xã hội Gia Rai, dân tộc đông nhất, cố kết chặt chẽ, có truyền thống văn hóa lâu đời nhất Tây Nguyên có một nhân vật rất đặc biệt.
 


 

Đó là Pötao. Có thể nói gần suốt một thế kỷ, nhiều người đã cố giải thích Pötao, hệ thống, thiết chế Pötao trong xã hội Gia Rai, ý nghĩa của Pötao đối với người Gia Rai. Kỳ thực dịch Pötao là Vua là không đúng, hoặc ít ra không hoàn toàn đúng.

 

Vậy Pötao là gì?

 

Khái niệm Pötao chỉ được cắt nghĩa tường tận cho đến khi tác phẩm Pötao, một lý thuyết về quyền lực ở người Jörai Đông Dương của Jacques Dournes ra đời. Là một nhà Tây Nguyên học hàng đầu, Jacques Dournes đã sống ở Tây Nguyên ròng rã 25 năm và dành trọn 15 năm tập trung nghiên cứu về người Gia Rai và Pötao.

 

Cho đến tác phẩm của ông thì vấn đề Pötao Gia Rai mới được giải quyết một cách rốt ráo, sâu sắc và cơ bản. Pötao chính là một thiết chế xã hội độc đáo, đặc sắc của người Gia Rai.

 

Dân ca Gia Rai có câu: Ong jing grom, Kau jing kömla (Anh làm sấm, Em làm sét).

 

Tình yêu trai gái, sao lại có chuyện sấm với sét? Như ai cũng biết, sấm thì rất ầm ĩ, hung hăng, đe dọa, nhưng lại chẳng có ai bị sấm đánh chết bao giờ. Đánh chết người là sét.

 

Sét mới đáng sợ, mới là sức mạnh quyết định, là thực chất… nhưng cái thực chất ấy lại vô hình. Nó phái đại diện của nó là sấm ra biểu hiện trước thiên hạ.

 

Câu dân ca trên diễn đạt chính xác quan hệ giữa người đàn ông và người đàn bà trong xã hội mẫu hệ Gia Rai. Trong xã hội này, toàn bộ quyền lực nằm trong tay người đàn bà.

 

Bà là chủ tài sản, đất đai, là người quyết định mọi việc trong gia đình và cả trong xã hội. Nhưng người đàn bà lại không bao giờ ra mặt. Bà cử người đại diện (anh, em trai của bà hay anh, em trai của mẹ bà) đứng ra thực thi quyền lực ấy.

 

Trong gia đình, tiếp khách, đối ngoại là người đàn ông, phát ngôn và ra tay thực thi mọi quyền hành cũng là ông. Người đàn bà luôn ngồi ở góc khuất nhất, nhưng chính bà lại quyết định và chỉ huy tất cả.

 

Rõ ràng ở đây người đàn ông là sấm, là phát ngôn hữu danh vô thực của quyền lực thật là người đàn bà – sét, cả trong gia đình lẫn ngoài xã hội.

 

Đấy là ở cấp gia đình. Còn ở cấp làng?

 

Ở làng cũng có hai nhân vật: Khoa Buôn và Khoa Yang. Khoa có nghĩa là trưởng. Buôn là làng. Yang là thần, thiêng. Cả hai nhân vật này đều là trưởng, nhưng là trưởng theo hai lối khác nhau.

 

Khoa Buôn là trưởng làng đối với bên ngoài, người ngoài, trong quan hệ của làng với chính quyền bên trên, với các đối tác ngoại lai. Còn đối với bên trong, đối với dân làng ông không có thực quyền.

 

Ông chỉ là đại diện với bên ngoài cho một người có thực quyền, quyết định mọi việc hệ trọng nhất của đời sống cộng đồng là Khoa Yang, người giữ mối quan hệ giữa con người trong làng với các lực lượng siêu nhiên.

 

Ông chỉ là sấm, sấm của sét Khoa Yang. Khoa Yang nắm thực quyền nhưng không ra mặt, hệt như người đàn bà trong gia đình. Như vậy, ở cấp làng, Khoa Buôn đóng vai trò của người đàn ông, trong khi Khoa Yang giữ vai trò của người đàn bà.

 

Nguyên lý nữ nam, bên trong và bên ngoài, nội và ngoại là một nguyên lý cơ bản của đời sống Gia Rai. Đây là một đặc điểm hết sức quan trọng của xã hội Gia Rai cổ truyền, một xã hội được tổ chức thành hai mặt, luôn trưng ra với bên ngoài mặt đại diện hữu danh vô thực, mặt sấm, trong khi lại cất đi mặt sét, mặt thực chất của nó.

 

Và, như ta đều có thể biết, nắm lấy cái sấm nghĩa là nắm lấy cái không có gì hết, nắm lấy cái hư, chứ không hề là cái thực. Người Gia Rai để cho người ngoài nắm lấy cái sấm của mình, và giữ kín cái sét!

 

Ở cấp gia đình và cấp làng là vậy. Còn ở cấp toàn xã hội thì sao?

 

Ở cấp toàn xã hội chính là Pötao, nhân vật hết sức đặc biệt.

 

Trong truyền thuyết có một nhân vật cũng được gọi là Pötao, là tên lãnh chúa gian ác, và một nhân vật tên là Rit, một anh chàng mồ côi, nghèo hèn, sống ở bìa rừng, giữa làng và rừng (tức giữa Văn hóa và Tự nhiên).

 

Rit đã đánh đổ tên Pötao lãnh chúa gian ác, đoạt lấy sức mạnh của y, tự mình trở thành Pötao, nhưng không là Pötao lãnh chúa mà là Pötao của dân, Pötao thiêng. Như vậy, trong truyền thống Gia Rai có việc nhân vật đại diện cho nhân dân đứng lên lật đổ quyền lực của Vua, nhưng khác với các truyền thống thông thường, sau khi đoạt quyền, nhân vật ấy không lại trở thành Vua, thành lãnh chúa thống trị mà trở thành Người điều hòa.

 

Chức năng của Pötao là điều hòa các yếu tố tự nhiên và xã hội để cho mọi sự được tốt đẹp, yên ấm. Đối với người Gia Rai, ông không hề là Vua, ông được dân các làng bầu lên qua các Khoa Yang; ông thường là người nghèo nhất trong làng, không có bất cứ quyền hành hay lợi ích đặc biệt nào. Ông chính là Rit của truyền thuyết.

 

Ông gìn giữ sự điều hòa bằng cách hằng năm tuần du qua các làng vào đầu vụ sản xuất và cúng cầu mưa, hoặc cúng cầu yên khi có thiên tai, dịch bệnh… Ông giữ mối quan hệ giữa Văn hóa, Tự nhiên và Siêu nhiên.

 

Vua giữ một lưỡi gươm thiêng, tượng trưng cho quyền lực điều hòa thiêng liêng, được cất kín trong căn chòi trên một hòn núi bí mật, không ai được nhìn thấy nó, ngoài ông… Sức mạnh của Pötao nằm ở đấy. Jacques Dournes nói rằng ông là đại diện của người dân.

 

Người Gia Rai đã sáng tạo ra điều mà Dournes gọi là Một lý thuyết về quyền lực, độc đáo, đặc sắc. Quyền lực của người dân đen được thể hiện trong một thiết chế vừa thần quyền vừa thế quyền, đầy hiệu lực, không cần có nhà nước, không quân đội, cũng không cảnh sát, không cần có lãnh chúa… mà ổn định bền vững qua lịch sử nghìn năm.

 

Song lại còn có mặt đặc sắc thứ hai: Khi người Việt dịch Pötao là Vua, người Pháp dịch là Roi, người Mỹ dịch là King, và đối xử với Pötao như là Vua của người Gia Rai, thì người Gia Rai cũng không cãi lại, không phản đối. Họ sẵn sàng để cho triều đình Việt, nhà nước Pháp, quyền lực Mỹ cứ hiểu thế đi, chẳng sao cả.

 

Thậm chí các Pötao cũng ứng xử lại với các thế lực bên ngoài ấy như mình chính là vua của người Gia Rai vậy. Triều đình Huế đã từng phong tước, ban các thứ vật phẩm tượng trưng cho Pötao và coi là các chư hầu.

 

Các Pötao vui vẻ nhận. Lại còn định kỳ triều cống triều đình các lâm sản quý. Người Pháp, người Mỹ sau đó cũng được các Pötao đối xử lại hệt như vậy, không hơn không kém.

 

Các thế lực bên ngoài ấy ngỡ như vậy là đã nắm, đã thần phục được người Gia Rai, cộng đồng Gia Rai. Người Gia Rai, qua các Pötao của mình, cứ để cho đám quyền lực kia hiểu vậy, thậm chí còn khuyến khích cách hiểu đó, đối với họ chẳng sao cả.

 

Họ vẫn lặng lẽ giữ nguyên nền độc lập riêng với thiết chế kỳ lạ, đặc sắc của mình, chỉ có họ hiểu, chỉ họ biết với nhau, một nền độc lập dựa trên sự hài hòa của tự nhiên và xã hội, lấy nền tảng văn hóa làm chính.

 

Cũng có thể nói cách khác: Đối với người Gia Rai, chính trị chính là văn hóa. Thiết chế Pötao chính là một thiết chế chính trị – văn hóa độc đáo, hiệu quả. Không phải ngẫu nhiên mà Gia Rai là dân tộc có tính độc lập và sức đề kháng dân tộc mạnh mẽ, sâu sắc nhất ở Tây Nguyên.

 

Như vậy, nếu ở cấp gia đình có người đàn bà là Sét, và người đàn ông là Sấm; ở cấp làng có Khoa Yang thực quyền nhưng giấu mặt, và Khoa Buôn lộ mặt, đại diện, nhưng hữu danh vô thực; thì ở cấp toàn xã hội hai nhân vật ấy được gộp trong chỉ một Pötao, ông vừa là Sét đối với bên trong, với cộng đồng, với Dân, là quyền lực thực của Dân được thiết chế một cách hết sức độc đáo; đồng thời đối với bên ngoài, với các thế lực ngoại lai, ông lại là Sấm, sắm vai trò Sấm, là Vua như ai đó muốn hiểu!

 

Ông là cả hai, vừa là bên trong vừa là bên ngoài, vừa là nội vừa là ngoại, vừa là nữ vừa là nam. Người Gia Rai đã giữ nền độc lập bền vững của mình bằng cách để cho các thế lực hùng hổ bên ngoài nắm lấy mặt sấm của mình – nghĩa là nắm lấy cái không có gì hết!

 

Còn nền độc lập thực chất của họ thì vẫn là của họ, độc đáo, bền chặt, mềm dẻo mà không gì phá vỡ nổi. Vì nó là một nền độc lập – văn hóa.

 

Có nhà dân tộc học bảo tôi rằng thật ra tất cả các dân tộc Tây Nguyên, ở các mức độ khác nhau, đều có những hình thức Pötao của mình. Ở Gia Rai, thiết chế đó chỉ đậm và rõ hơn cả.

 

Một lần nữa, bạn thấy không, Tây Nguyên tuyệt diệu, và bí ẩn khôn cùng!

 

Jacques Dournes mở đường cho ta đi vào miền bí ẩn tuyệt diệu ấy.
DanQuyen.com
    Phản Hồi Của Độc Giả Về Bài Viết
Họ và Tên
Địa chỉ
Email
Tiêu đề
Nội dung
Gửi cho bạn bè Phản hồi

Các bài viết mới:
    Bắt học sinh đi học ngày nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương, hiệu trưởng bị xem xét kỷ luật (20-04-2024)
    Cần đảm bảo quyền lợi cho mọi học sinh trường Quốc tế Mỹ (11-04-2024)
    Học ngành Sư phạm tiếng Trung có lo thất nghiệp? (10-04-2024)
    Hơn 101.000 học sinh tập dượt cho kỳ thi TN THPT đầu tiên của Chương trình mới (12-03-2024)
    TP Hồ Chí Minh: Phụ huynh 'nín thở' chờ thông tin thi khảo sát vào lớp 6 trường chuyên (08-03-2024)
    Nữ sinh Việt thi đâu thắng đó, tốt nghiệp đại học Séc với GPA cao nhất lịch sử (06-03-2024)
    Sự trỗi dậy của các câu lạc bộ sách dành cho giới trẻ (29-02-2024)
    Ai được dự thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội? (18-02-2024)
    Nữ sinh Tây Nguyên phá kỷ lục siêu trí nhớ thế giới (15-02-2024)
    Nữ sinh Hà Nội bị cắt quần do không mặc đồng phục, nhà trường nói gì? (21-01-2024)
    Nam sinh Phú Yên giành vé đầu tiên vào chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm 2024 (07-01-2024)
    Chính thức bỏ thi thăng hạng viên chức (15-12-2023)
    Tiến sỹ ngân hàng bị lừa hơn 470 triệu đồng mà không dám kêu ai (14-12-2023)
    Nhà văn Di Li: Tôi mất 15 năm để ngẫm nghĩ về 'Tật xấu người Việt' (09-12-2023)
    79 công trình khoa học được vinh danh trong Sách vàng Sáng tạo Việt Nam (06-12-2023)
    Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thăm Đại học Kyushu của Nhật Bản (30-11-2023)
    Bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của người Ê Đê ở Tây Nguyên (19-11-2023)
    Sau một tuần mở cổng đăng ký: 'Đấu trường' trí tuệ nhân tạo hàng đầu Việt Nam thu hút hơn 700 đội thi (13-11-2023)
    Việt Nam có nữ giáo sư Toán học thứ 3 (07-11-2023)
    Giáo sư, phó giáo sư trẻ nhất vừa được công nhận năm 2023 là ai? (06-11-2023)

Các bài viết cũ:
    Đường tới Bờ Rạ – một lối khác vào lịch sử (20-08-2013)
    Thờ gia thần và những cắt nghĩa lý thú (15-08-2013)
    Nguyễn Bình Phương: Sống bình thường, viết không bình thường (12-08-2013)
    Khi hiện thực sang trang (08-08-2013)
    Kinh nghiệm xây dựng văn hóa đọc (07-08-2013)
    Khởi đầu của khởi đầu (31-07-2013)
    Ra mắt sách về trang phục VN thời phong kiến (02-07-2013)
    Tiểu thuyết gia Iain Banks bị ung thư (09-04-2013)
    Vi Thùy Linh trình diễn văn chương trong Nhà hát lớn (20-11-2012)
    Giải Man Booker lần 2 cho Hilary Mantel  (16-10-2012)
    'Dưới cánh Thiên thần Rượu' - tiểu thuyết về những kẻ nghiện (21-09-2012)
    Đào Bá Đoàn: 'Nhiều lúc chán văn mình kinh khủng' (30-08-2012)
    Lê Vi Thủy, giọng thơ lạ ở cao nguyên  (13-08-2012)
    'Dưới cánh Thiên thần Rượu' - tiểu thuyết về những kẻ nghiện (27-07-2012)
    Nguyễn Hiệp: 'Tôi viết chứ không phán xét' (11-06-2012)
    Philip Roth giành giải văn chương Tây Ban Nha (08-06-2012)
    Vargas Llosa: 'Văn chương không chỉ để giải trí' (06-06-2012)
    Chiến tranh ở VN qua con mắt John Steinbeck (01-06-2012)
    Cuộc đời Leo Tolstoy: Nhiều chiến tranh, ít hòa bình (21-05-2012)
    Tiêu chí của dịch văn học  (14-05-2012)
 
"Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam".

Chuyển Tiếng Việt


    Truyện Ngắn
Xa Xóm Mũi


   Sự Kiện

Lời Di Chúc của Vua Trần Nhân Tôn





 

Copyright © 2010 DanQuyen.com - Cơ Quan Ngôn Luận Người Việt Hải Ngoại
Địa Chỉ Liên Lạc Thư Tín:
E-mail: danquyennews@aol.com
Lượt Truy Cập : 152874655.